Anh bảo chị ra đây ném hết thư đi. Anh không muốn chị em mang theo thư của anh nhỡ đâu có sự hiểu lầm khiến chị em sẽ phải khóc....
***
Khi những cơn gió nam non đầu hạ đổ về làng chài thì những đám muống biển mọc thành dề đã bắt đầu trổ hoa. Ở Cồn Đen, trên từng doi cát trắng đến nhức mắt giữa trưa hè chói chang là sắc hoa tím bật lên kiêu hãnh.
Bọn trẻ con một thời cùng nắng cùng mưa cứ rủ nhau vượt qua từng bãi cát để bước chân lên đám muống biển. Cả bọn tung tăng đùa nghịch sau mỗi buổi bắt còng, bắt cáy hay đào don nứa, đào vọp.
Mới ngày nào... Hàng chục năm qua đi rồi, đứa trẻ ngày nào còn lẽo đẽo theo chị ra biển giờ đã lớn tồng ngồng, đôi vai chắc nở. Cuộc đời cũng có biết bao sự đổi thay. Lâu lắm rồi tôi mới có thời gian rỗi để đi dạo với chị trên bãi biển. Chị cầm nụ muống biển tím thẫm đến nao lòng rồi thở dài. Tiếng thở dài của chị nghe não lòng. Tôi lặng im để mình chìm vào miền kí ức xa xưa... .
Nhà tôi ở ngay cạnh cửa sông Trà Lí đổ ra biển. Bố tôi mất trong một lần ra biển gặp cơn giông bị lật thuyền. Năm ngày sau mới tìm thấy bố tôi đem về mai táng. Chị em tôi sống luôn nhớ lời mẹ dặn, phải mang ơn những người đã đưa bố tôi về... Cơn mưa giông ấy đã giáng bất hạnh xuống gia đình tôi và khiến đời con gái chị cũng đa đoan theo.
Chị tôi hai mươi mốt tuổi, vừa học xong cao đẳng sư phạm đã phải lấy chồng để nhà không lâm vào cảnh khốn cùng. Anh rể tôi là dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều năm về nước nghỉ phép nhờ người mai mối để lấy chị. Mẹ tôi mắc một căn bệnh, chữa mãi chưa khỏi mà trong nhà cũng hết sạch tiền. Đồng lương hợp đồng của chị ở quê không đủ đi dự vài đám cưới trong một tháng. Chị nhắm mắt lấy anh để có tiền lo thuốc thang cho mẹ và tôi không phải nghỉ học ngang chừng.
Ngày nhà trai mang lễ xuống làm lễ ăn hỏi là một ngày trời mưa tầm tã. Mây đen từ khơi xa kéo nhau về ùn ùn phủ kín bầu trời. Hơn chục người bên họ nhà trai ướt như chuột lột, đồ lễ ướt nhèm. Chị ngồi trong buồng khóc. Tôi tưởng như nước mắt chị rơi còn nhiều hơn mưa lớn ngoài trời. Bất ngờ, chị ôm một bịch gì rồi lao đi giữa trời nước bạc trắng. Tôi chạy theo, cổ rát bỏng gọi chị. Gió thốc lên rồi ném từng vốc nước vào người rát rạt. Chị chạy ra cồn cát rồi ào xuống biển, đoạn chị tung tất cả những gì cầm trên tay lên trời. Tôi đau xót, chết lặng nhìn chị gào lên trước biển cả bao la trong tiếng sấm xé rạch bầu trời. Dưới ánh chớp nhoáng nhoàng, tôi thấy những lá thư anh Tú gửi cho chị dập dềnh trên mặt nước rồi bị sóng cuốn đi.
Anh Tú và chị yêu nhau lắm nhưng bị hai gia đình ngăn cản. Anh là con một trong một gia đình giàu có, lại là trưởng họ nên mẹ anh muốn anh lấy người bà đã lựa cho theo bà thì đã " môn đăng hộ đối". Anh học đại học ở trên Hà Nội nhưng vẫn luôn viết thư về cho chị đều đặn tuần hai lá. Hình như tình yêu càng ngăn cản thì lại càng mãnh liệt. Những lá thư anh gửi về nhà bị mẹ " tịch thu" và đốt sạch. Mẹ đã hết lời phân giải nhưng chị vẫn yêu anh. Mẹ giận chị lắm, vì chị yêu anh Tú mà gia đình anh ấy tỏ ra coi thường nhà tôi nghèo nàn. Thế rồi anh Tú gửi thư về cho chị theo địa chỉ của chị Hạnh bạn thân của chị ở xóm trên. Và tôi là người chị nhờ lên lấy thư. Tôi trở thành " sứ giả tình yêu" của chị lúc nào cũng không hay nữa. Ở cái tuổi lên mười, được dúi vào tay vài cây kẹo mút hay mấy thứ đồ chơi mà anh mang từ thành phố về thì mọi chuyện còn lại thì " nhỏ như con thỏ". Tôi mong anh về còn hơn cả chị ấy chứ.
Những lá thư làm chị thao thức bao đêm không ngủ. Có lúc, chị ấp lá thư anh vào ngực mình chìm vào một miền hạnh phúc ngọt ngào. Lúc đó, chị thật đẹp. Vẻ mặt tròn đầy đặn thánh thiện như bừng thắm hơn bởi đôi mắt long lanh niềm vui sướng dâng trào. Chị cười, nụ cười toát ra từ trái tim. Chưa hiểu tình yêu là gì nhưng tôi vô cùng ngưỡng mộ tình cảm của hai người.
Tôi ôm chặt chị và cũng khóc: - Không yêu thì chị đừng lấy!- Tôi gào lên trong mưa. Chị trả lời, giọng đầy nước:
- Chị không được quyền sống cho riêng mình, khi nào lớn, em sẽ hiểu.
Với chị, tôi mãi là thằng em bé nhỏ luôn cần sự che chở từ nơi chị.
Ngày chị cưới chồng mưa cũng vần vũ bầu trời. Suốt từ đêm hôm trước đến lúc đưa dâu không lúc nào ngớt hạt. Đang mùa biển động nên sóng cứ gầm gào ném theo gió vào đất liền những âm thanh nghe càng não ruột. Dì tôi chép miệng:
- Con này chưa đi đã chạy rồi số chỉ khổ thôi...
Chị mặc váy trắng cầm ô qua chỗ tôi. Tôi mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng nấc, chị cốc đầu tôi:
- Nhóc yên tâm, chị lập trình sẵn cho mình mọi thứ rồi.
Tôi nhìn theo chị bước lên xe hoa y hệt một con rô bốt. Cô dâu trong ngày cưới mà như kẻ vô hồn.
Mưa tạnh, buồn quá tôi lang thang ra cồn cát. Tôi nhận ra anh Tú đang ngồi như một pho tượng trên dạt muống biển. Trên tay anh là một vòng hoa tím được kết từ những dây xanh bò trên cát nóng. Anh nói giọng như khóc:
- Nhi bảo anh, hoa muống biển mọc lên từ biển mặn, từ cát nóng nên nó mới có màu tím son sắt như thế. Nó thuỷ chung như lòng người quê biển...
Tôi ngồi xuống bên anh:
- Anh có giận chị Nhi không?
Anh lắc đầu:
- Anh hiểu chị. Anh sẽ đợi chị thêm năm năm nữa. Nếu cuộc sống của Nhi tốt đẹp thì sẽ không sao. Anh linh cảm cuộc hôn nhân này có nhiều bất trắc...
Ngừng một lát, anh nói tiếp:
- Anh bảo chị ra đây ném hết thư đi. Anh không muốn chị em mang theo thư của anh nhỡ đâu có sự hiểu lầm khiến chị em sẽ phải khóc. Hoan là bạn anh, anh hiểu nó.
Giọng anh nghẽn lại: - Anh trách mình nhiều lắm. Anh yêu chị em mà không mang hạnh phúc đến được cho Nhi. Anh còn đang đi học, anh còn phải phụ thuộc gia đình...
Tôi siết nhẹ tay anh. Tôi còn bé, chắc khó khăn lắm để anh nói ra những lời vừa rồi nhưng không ai hiểu tình anh dành cho chị như tôi nên anh mới trút nỗi lòng mình như thế. Chúng tôi ngồi như vậy đến lúc trăng lên cao mới ra về.
Chả cần mang theo thư của anh thì chị tôi cũng phải khóc sau ngày cưới được một tuần. Chị về nhà tức tưởi. Hỏi mãi chị mới khóc lóc kể lại rằng, sau đám hỏi, em trai anh rể tôi đi biển nhặt được một lá thư của anh Tú gửi chị dắt trên dải rau muống biển, chữ nghĩa đã nhoè nhưng đọc cũng hiểu được nội dung. Đêm tân hôn, anh Hoan mang lá thư ra tra hỏi. Và những đêm sau nữa, bóng đêm với chị là một cực hình khi cơn ghen của chồng nổi lên. Mẹ vứt va li quần áo của chị ra ngoài ngõ đoạn lấy con dao mài chém mạnh vào cột cổng:
- Nhà này không còn bố nhưng vẫn còn nóc. Con gái xuất giá sướng khổ cũng phải chết ở nhà chồng. Tao cấm cửa.
Giữa lúc chị van xin mẹ cho chị trở về nhà thì anh Hoan rồ xe máy phi thẳng vào sân. Chả biết anh nói gì với mẹ mà mẹ dỗ chị:
- Chồng nó có yêu thì nó mới ghen. - Mẹ quay sang anh: - Mà con Nhi nó đã tự vứt hết đi rồi, nó đã đoạn tuyệt với quá khứ rồi thì anh đừng như thế nữa.
Anh cúi đầu vâng dạ rồi đưa chị đi. Mẹ nhìn chị vừa lên xe vừa gạt nước mắt ra khỏi đoạn ngõ thì ngồi phịch xuống sân. Mẹ khóc. Thứ nước mắt khô như muối rang chảy vào lòng.
Hết tháng phép, anh rể trở lại nước bạn làm việc. Chị có mang và ốm nghén rất khổ sở. Chị bị áp lực từ phía nhà chồng, nếu không sinh được con trai thì anh ấy sẽ lấy vợ khác. Chị buồn. Mẹ luôn động viên phải giữ cho tâm mình được vui vẻ để sinh được đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh. Hôm chị đi siêu âm, bác sĩ cho biết, đứa bé chị mang trong người là con trai thì mẹ tôi mừng lắm, mẹ như trút hết được nỗi lo đè nặng trong lòng.
Ngày Nhím chào đời cũng là một ngày mưa. Mưa tháng tám hễ đâu có cơn đen là giọt nước rơi ngay chỗ ấy . Cơn mưa giông của vùng này vẫn thế. Tưởng có bao nhiêu nước ở biển ông trời hút hết lên đổ xuống đất lìên. Chị ôm con trong tay mình sau những cơn đau vật vã lúc sinh nở rồi nhìn mưa qua ô cửa kính của nhà hộ sinh. Nước trắng trời. Dưới sân , nước chảy ngập ngang bắp chân:
- Từ nay trở đi, chị có con là mục đích để cố gắng rồi em à...
Giọng chị buồn, sũng nước. Có một bàn tay vô tình bóp mạnh tim tôi đau nhói. Sao những gì đáng nhớ xảy đến với chị đều có mưa thế này?
Nhím đầy tháng, mọi người nội ngoai đến chúc mừng. Bố chồng chị hỉ hả ôm đứa cháu đích tôn của mình kể lể chăm chị ở cữ thế nào. Qua lời ông ấy, có người buột miệng khen chị tốt số lấy được chồng có điều kiện. Chỉ mình tôi biết, chị quay mặt vào tường cắn môi đến bật máu để cố ngăn dòng nước mắt chực rơi.
Ngày giỗ bố tôi, mẹ gọi điện xin thông gia cho mẹ con chị về cúng giỗ rồi ở chơi vài hôm. Họ đồng ý, tôi đạp xe đón chị. Đến nơi, thấy chị đang cho con ăn đĩa cháo bột mà mắt đỏ hoe. Chị giục tôi về trước. Đầu giờ chiều, chị mới tới, vứt uỳnh xe đạp chạy vội vào nhà thắp cho bố nén nhang rồi hớt hải ra về. Chị bảo thằng nhỏ đang sốt lên chị không ở lại thêm được. Tôi nghi hoặc. Lúc tôi ở nhà chị về, Nhím vẫn còn khoẻ mạnh, tôi gọi nó còn cười toe toét cơ mà. Mẹ chép miệng, trẻ con thì nó thay đổi như thời tiết ấy...
Mấy tháng sau, chị Hạnh mới cho tôi biết, ngày nào ra trường chị cũng khóc với chị ấy. Chị tôi khổ quá. Anh Hoan nói dồn tiền làm ăn bên đó nên không gửi tiền về cho bố mẹ như trước nữa cũng chả cho chị được một xu để mua tã cho con. Bố mẹ chồng tưởng anh gửi về cho chị, sợ chị đem hết tiền về lo cho đằng ngoại nên hành chị ghê lắm. Hôm giỗ bố tôi, chị ấy phải nhờ người nhắn với chị Hạnh gọi điện đến nhà bảo lên trường họp hội đồng vì có việc gấp để chị được ra khỏi nhà. Bố mẹ chồng không cho chị về cúng giỗ. Quần áo của chị ấy không được giặt nước giếng mà phải mang ra sông. Điện ngủ không được thắp, ti vi không được mở xem còn chiếc xe máy thì đắp chiếu để đó không được tự ý lấy đi dạy học. Chị dè xẻn từng đồng lương ít ỏi của mình để mua tã, quần áo và sữa cho con, cũng may chị được vào biên chế, tiền ăn góp nửa lương còn lại một nửa với bao khoản chi tiêu chứ lương hợp đồng vài đồng bạc thì chị tôi không biết xoay sở thế nào. Những lúc thằng nhỏ ốm, chị phải vay mượn bạn bè để mua thuốc. Anh Hoan sợ chị " tình cũ không rủ cũng về" nên nhờ bố mẹ ở nhà quản lí chị khiếp lắm. Chị không muốn mẹ tôi biết, chị sợ mẹ buồn...
Tôi choáng váng như ở một khoảng trống không trọng lượng. Thương chị đến thắt lòng mà tôi không biết phải làm gì. Đêm đó, tôi không ngủ ra ngoài sân ngồi. Thỉnh thoảng, chị cũng tạt qua nhà nhưng chưa đầy mười phút chị đã ra về. Chị luôn nói là bận . Nhưng tôi đâu biết rằng, chị đã phải tranh thủ lúc ra chơi vào thăm mẹ....