Điệu bộ của cô nàng chậm rại và nghiêm trang, hệt một điều tra viên đang cân nhắc bằng chứng. Tôi bỗng hơi hốt hoảng. Thôi rồi, có khi nào trò giao hạt trồng cây này là một chiêu thử lòng thành thật của tôi như trong một câu chuyện cổ nào đó không? Trống ngực tôi bắt đầu đập bình bịch.
* * *
- Thôi bỏ đi, xem như Quỳnh Anh với Hoàng không có duyên.
Mỗi lần giận tôi, Quỳnh Anh lại nói thế. Và mỗi lần như vậy, tôi lại gãi gãi cái đầu tóc bù xù rồi cười nhăn răng.
- Không có duyên hồi nào? Dính liền một đôi như hai dấu chấm, ấy quên, dấu hai chấm từ hồi mẫu giáo tới giờ mà cứ bảo không có duyên.
Nghe đến đây, thể nào khóe miệng Quỳnh Anh cũng khẽ giãn ra, múm mím cười dù cặp chân mày vẫn còn hơi nhăn nhăn, Quỳnh Anh và tôi, ngẫu nhiên theo đúng mô típ của các câu chuyện tình cảm truyền thống, là một cặp thanh mai trúc mã, tức là làm bạn bè với nhau từ hồi mới sinh ra lận. Ba của Quỳnh Anh và ba tôi là bạn thân. Mẹ của Quỳnh Anh và mẹ tôi cũng là bạn thân. Tiệc mừng đầy tháng Quỳnh Anh vừa tổ chức tuần trước thì tuần sau lại đến lượt tôi. Hồi đi mẫu giáo Quỳnh Anh hay xưng chị. “Chị làm bác sĩ, còn Hoàng làm bệnh nhân nghe.” Rồi “Bệnh nhân ngồi im bác sĩ cho uống thuốc. Đừng khóc nghe! Thuốc không có đắng đâu, là sô-cô-la đó, ngon lắm! Của bà mua cho, chị để dành từ chiều qua tới giờ đó.” Không biết vì sao tôi lại chịu nghe lời, ngồi im uống hết năm viên thuốc nhão nhẹt vì bị nhét trong túi áo quá lâu, mặc cho lũ con trai cùng lớp chỉ trỏ cười ngặt nghẽo. Thậm chí tôi còn giơ nắm tay bé tẹo dứ dứ bọn nó nữa. Cũng không nhớ là từ bao giờ Quỳnh Anh thôi xưng chị, và tôi cũng bắt đầu mắc chứng hay quên.
- Hoàng ơi, chiều nay đi nhà sách với Quỳnh Anh nha.
- Thôi, chiều nay Hoàng đi đá banh rồi.
- Đá banh hả - Giọng thoáng chút ngập ngừng - Ờ, Hoàng là con trai mà, con trai thì thích đá banh. – Giọng lại chuyển qua điệu hơi buồn - Ừ thôi, Hoàng đi đi. Nhớ đá cho đội kia thủng lưới luôn nha.
- Dĩ nhiên rồi. – Tôi hí hửng đáp, rồi buột miệng hứa – Nhưng mà đá banh xong là Hoàng tới chỗ nhà sách với Quỳnh Anh liền à. Chiều này đá sớm lắm, chừng bốn, năm giờ là xong rồi.
- Thật hả? – Giọng réo rắt như chim hót – Quỳnh Anh chờ ở chỗ nhà sách rồi tụi mình đi ăn kem luôn nha. Nhớ nha!
Tuy gật đầu lia lịa, tuy trận đá banh xong sớm từ lúc ba giờ vì mấy thằng trong đội kia đá dở quá nên chấp nhận thua nhanh, nhưng cuối cùng tôi lại đi câu các với bọn cùng đội đến 8 giờ tối mới về. Sáng hôm sau, gặp khuôn mặt dàu dàu của Quỳnh Anh ở cửa lớp, tôi mới vỗ đầu cái bốp để nhớ ra.
- Trời ơi, sao tui đãng trí quá vậy nè! Quỳnh Anh ơi, cho tôi xin lỗi nhe.
- Thôi bỏ đi, xem như Quỳnh Anh với Hoàng không có duyên,
Lại lôi câu danh ngôn bất hủ ấy ra rồi! Coi bộ xin lỗi suông không ăn thua à! Tôi đành hy sinh một buổi tập lắp ráp mô hình máy bay điều khiển bằng động cơ để lẽo đẽo theo Quỳnh Anh tới bất cứ chỗ nào cô nàng muốn. Đầu tiên là tới tiệm đan len, móc mũ nón, trân mình làm ma-nơ-canh để Quỳnh Anh ướm đủ mọi thứ tơ sợi lên mà vẫn phải ngoác miệng cười.
- Hoàng thấy sợi này màu đẹp không?
- Ừa, đẹp.
- Vậy Quỳnh Anh móc cho Hoàng một cái khăn len màu này nha! Mỗi tối đi ngủ nhớ quàng vô cho ấm, mùa này gió lạnh lắm.
Gì chứ quàng khăn len là tôi ghét lắm vì ngứa không chịu được. Thế mà ít nhất tôi cũng phải tròng cái thứ nhột nhạo đó quanh cổ suốt một tuần vì mẹ đã nhận lời làm tai mắt giám sát tôi giúp Quỳnh Anh.
Rời tiệm len tơ sợi, Quỳnh Anh lại thong thả dắt tôi qua tiệm bán bông hoa, cây kiểng dù cái mũi tôi cứ ngửi trúng mấy thứ mùi hương thực vật là lại hắt xì liên tục. Tôi bịt khẩu trang, đứng giật lên giật xuống theo từng cơn nấc, trông hệt một tay rapper quái dị đang dốc sức trình diễn bản hit của hắn, làm anh chàng bán kiểng kinh ngạc đến há hốc miệng ra.
- Hoàng ơi, Hoàng có tin cây cỏ cũng có linh hồn không? – Giọng Quỳnh Anh nghe ngây thơ lạ.
- Ờ, tin đó. Không có hồn sao nó ám người ta đến bán sống bán chết chứ. – Tôi ngáp ngáp như con cá thở bằng mang.
- Vậy Hoàng giữ cái hạt giống này, đem về trồng cho nó lên cây nha.
Quỳnh Anh mở bàn tay tôi ra, đặt vào một cái hạt nâu nâu. Từng cử động đều dịu nhẹ, khẽ khàng như thể cái hạt đó làm bằng bong bóng xà phòng xà bông hay sương khói có thể tan biến đi bất cứ lúc nào không bằng.
- Rồi mỗi ngày Hoàng tưới nước cho nó, nhìn nó nảy mầm, nhìn nó từ từ xòe ra hai cái lá xinh xắn, nhìn nó lớn lên, nhìn nó… Hoàng sẽ thấy…
Quỳnh Anh thao thao bất tuyệt, đôi mắt mơ màng và hai bàn tay dịu dàng chuyển động trong không trung như thể đang nâng niu một chồi cây vô hình. Tôi không nỡ cắt ngang mạch cảm xúc của cô nàng, đành nén tiếng ngáp vì buồn ngủ rồi ngoác miệng cười, gật gà gật gù, miễn cưỡng hưởng ứng. Cứ tưởng gật đầu bừa đi cho xong chuyện, ai ngờ chừng dăm bữa sau, Quỳnh Anh lại hỏi:
- Hoàng ơi, hạt giống hôm bữa Quỳnh Anh đưa, Hoàng trồng chưa?
Chết ngắc, tôi còn chẳng nhớ đã vất nó ở đâu nữa, đành tìm kế hoãn binh.
- Ừa… ừa… đang gieo… đang gieo…
- Thật không đó? Hay là Hoàng bỏ đâu mất rồi?
Đôi lông mày của Quỳnh Anh từ từ nhíu lại, trông y chang hai lưỡi tầm sét đang được nạp điện. Tôi tiếp tục ậm ừ.
- À… à… đang lên… đang lên… ra hai lá mầm rồi.
- Vậy hả? Sao bữa Quỳnh Anh qua nhà Hoàng tìm hoài hổng thấy? Bộ Hoàng giấu cây trong tủ áo hả?
Quỳnh Anh nghiêng đầu duyên dáng. Ai đi qua không biết sẽ thấy đó là một chú mèo con nũng nịu. Riêng tôi lại nhìn ra một cô hổ nhỏ đang chờ câu trả lời của mình là quyết định tấn công hay tha bổng. Phải bình tĩnh, bình tĩnh, tôi tự nhắc mình rồi giả vờ cười phá lên.
- Ha… ha… Thật ra là… là… là… Hoàng không có để cây ở nhà.
Ơn trời một sáng kiến cứu bồ chợt lóe lên. Tôi khoái chí nhìn Quỳnh Anh ngẩn ra.
- Vậy Hoàng để đâu?
- Ở nhà thằng bạn. – Rồi không để Quỳnh Anh ngắt lời, tôi ba hoa chích chòe luôn một lèo. – Mà biết sao lại để ở nhà nó không? Tại vì Hoàng biết Quỳnh Anh rất muốn cái hạt đó lên cây. Mà Hoàng chăm cây dở òm à! Ông nội thằng đó thì chăm kiểng khéo lắm. Cho nên Hoàng nhờ ông nó trông chừng giùm cho tới khi nào lên thành cái cây mập mạp, khỏe mạnh thì Hoàng lấy về.
Có vẻ Quỳnh Anh vẫn còn chưa tin. Cô nàng cong cong vành môi, nhíu nhíu mày ngó nghiêng tôi.
- Tin được không đây?
Tôi chớp chớp mắt.
- Phải tin, phải tin chứ, cuộc sống rất cần có niềm vui mà.
Quỳnh Anh khẽ gật đầu.
- Ừ thì cũng có tin! Nhưng mà… nhưng mà…
Tôi giả vờ hồn nhiên.
- Mà sao hả Quỳnh Anh?
- Thì…
Điệu bộ của cô nàng chậm rại và nghiêm trang, hệt một điều tra viên đang cân nhắc bằng chứng. Tôi bỗng hơi hốt hoảng. Thôi rồi, có khi nào trò giao hạt trồng cây này là một chiêu thử lòng thành thật của tôi như trong một câu chuyện cổ nào đó không? Trống ngực tôi bắt đầu đập bình bịch.
12